Tại Lăng Cô, kể từ khi sân golf ra đời, nhiều bài toán đã được giải. “Chúng tôi muốn người chơi được cảm thấy như mình đang chơi golf trong một công viên quốc gia”, ông Adam Calver, giám đốc golf của Laguna Lăng Cô chia sẻ. “Đặc biệt có thể kể đến cánh đồng lúa trải dài từ sân số 3 đến sân số 4. Chúng tôi muốn bảo vệ nền nông nghiệp lúa nước truyền thống của Việt Nam, khi mà nhiều khu nghỉ dưỡng khác sẽ lựa chọn phát triển cơ sở vật chất khác.”
Sân đấu do Nick Faldo thiết kế đại diện cho một mô hình mới, hướng đến cộng đồng nhiều hơn. “Năm nay chúng tôi đã gây dựng quỹ hỗ trợ cho cộng đồng địa phương thông qua các giải đấu golf”, ông Adam Calver tự hào. “Chúng tôi đã kêu gọi được 28 triệu đồng ở giải đấu Cobra Puma hồi tháng 9 vừa qua và toàn bộ số tiền đóng góp sẽ được sử dụng cho chương trình Mùa đông ấm, trong đó chúng tôi sẽ cung cấp quần áo ấm và hỗ trợ tài chính đến các hộ nghèo tại địa phương.”
Tháng 3/2017 vừa qua là lần đầu tiên Laguna Lăng Cô đưa các em nhỏ từ một trường tiểu học địa phương đến dự lớp golf cơ bản của Nick Faldo, mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho các em nhỏ. “Chúng tôi đề nghị với Ban Giám hiệu nhà trường cho phép được tặng trường những bộ gậy và bóng cũ, để các em có thể thành lập câu lạc bộ luyện tập ngay trong trường”, ông Calver cho biết. “Tôi nghĩ các sân golf khác ở Việt Nam cũng nên làm vậy, vì chúng tôi đều có rất nhiều gậy và bóng thừa, và các dụng cụ đó có thể giúp các em học sinh có cơ hội được luyện tập môn thể thao này hơn.”
Bên cạnh tiêu chí ưu tiên số một là bảo vệ môi trường, những người đứng đầu sân golf này còn chú trọng đến việc phát triển cộng đồng dân cư địa phương. “Dân cư nơi đây chủ yếu làm nghề lúa nước, nên chúng tôi khó có thể tuyển được nhân lực với những kĩ năng phù hợp”, ông Gavin Herholdt, Giám đốc điều hành Laguna Lăng Cô nói về việc cung cấp việc làm cho người dân bản xứ.
“Do vậy, chúng tôi tổ chức các chương trình hỗ trợ người dân địa phương, ví dụ như mở lớp dạy tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng giao tiếp tiếng Anh một cách trôi chảy là một trong những cách để người Việt góp phần phát triển kinh tế nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những chương trình khác dành cho trẻ em địa phương, bởi tỉ lệ hoàn tất chương trình phổ thông nơi đây không cao. Chúng tôi đến nói chuyện với những gia đình nghèo và đề nghị được chi trả học phí, mua đồng phục mới và dụng cụ học tập cho các em. Chúng tôi giúp nhà trường cải thiện chất lượng nước uống và tổ chức các lớp dạy thể thao, phổ biến các kiến thức về bữa ăn khỏe mạnh. Ngoài ra, chúng tôi lựa chọn một số em nhỏ không có điều kiện đến trường tham gia chương trình đào tạo hạt giống nhân lực. Hiện nay khu nghỉ dưỡng của chúng tôi đang có tới 1030 nhân viên là người địa phương.”
“Ngoài ra, chúng tôi góp phần thúc đẩy thị trường hàng hóa địa phương bằng việc mua nông sản của người dân. Bạn có thể thấy, chúng tôi dạy người dân nhiều lĩnh vực dù ngành nghề chính của chúng tôi là kinh doanh. Tôi nghĩ rằng khi bạn có tài nguyên và nguồn lực thì nên đóng góp cho cộng đồng địa phương.”
Nằm tại Vịnh Lăng Cô, một trong những thắng cảnh đẹp nhất Việt Nam, tổ hợp sân golf và resort Laguna Lăng Cô có rất nhiều tiềm năng để trở thành hình ảnh đại diện của ngành du lịch miền Trung. Với cách làm đầy tính nhân văn, khu phức hợp golf tiêu chuẩn 5 sao này hứa hẹn sẽ còn phát triển bền vững, và là một mô hình đáng để nhiều sân golf tại Việt Nam học hỏi trong tương lai. Sân golf do Nick Faldo thiết kế tổ chức thành công Laguna Lăng Cô Invitational 2017. Giải đấu khép lại với chiến thắng thuộc về golfer Tôn Đức Sáu của Việt Nam (điểm Gross 80).
Nguồn: VnExpress