Sở hữu ngay Voucher nghỉ dưỡng tại Fusion Suite Vũng Tàu 5 sao với giá siêu ưu đãi chưa từng có , chỉ 660.000đ/người/đêm hạng Suite Hướng Phố, thời hạn sử dụng lên tới 31/09/2022.
Các món ăn ngon xứ Huế
Đất Cố đô không chỉ hấp dẫn du khách với núi Ngự, sông Hương, đền đài, lăng tẩm, mà còn nổi tiếng bởi nền ẩm thực phong phú và độc đáo. Đây là nơi giao thoa của những tinh hoa khắp đất nước, có sự kết hợp ẩm thực giữa nội cung và giai cấp thường dân, bởi những người đầu bếp của hoàng cung cũng xuất thân từ dân gian. Các món ăn ở Huế dân dã, bình dị như chính nét đẹp duyên dáng của người miền Trung vậy. Dù trong nhà hàng sang trọng hay đang ngồi ở quán cóc ven đường, khách du lịch vẫn cảm nhận đủ đầy hương vị đặc trưng của Huế.
Bánh nậm
Bánh nậm làm từ bột gạo, vừa ngon vừa có tính lành, người già, người ốm, trẻ em đều có thể ăn được. Bánh nậm có cả loại chay và mặn. Với bánh nậm chay, nhân chỉ có đậu xanh, được làm cho ngày rằm, mồng một âm lịch. Bánh mặn nhân tôm, thịt băm nhuyễn, rất dễ ăn. Tùy khẩu vị, có người cho cả nhân tôm, thịt, có người chỉ cho một loại tôm hoặc thịt.
Cách ăn bánh nậm đúng kiểu truyền thống là lột vỏ bánh ra, trải lên đĩa. Nên để nguyên lá gói, mùi của lá sẽ giúp món ăn thêm thơm ngon. Múc nước mắm ớt pha loãng, hơi ngọt tưới đều lên bánh, lấy thìa tre lóc ra, gấp thành miếng vuông vức. Khi đưa miếng bánh vào miệng, nhớ đừng nhai vội để có thể thưởng thức cảm giác bột gạo tan đều ra, thấm sâu, béo ngậy.
Bánh bột lọc
Bánh bột lọc được người dân bản địa nơi đây sáng tạo ra, kết hợp giữa sự tao nhã cung đình và sự giản dị của người dân cố đô. Như nhiều loại bánh Huế khác, bánh bột lọc được làm nhỏ cỡ hai ngón tay và gói cẩn thận trong lá chuối. Vỏ bánh bột lọc được làm từ bột năng, trộn cùng với nước, và đầu bếp sẽ nhồi cho đến khi bột sánh lại, mềm mịn và không còn dính nữa. Phần nhân của bánh chủ yếu vẫn là thịt ba rọi cắt lát, ướp đậm đà kèm với tôm, hoặc nhân đậu xanh dành cho người ăn chay.
Bánh bột lọc ngon nhất là khi ăn kèm với nước mắm pha tí chanh, tí đường và ớt xắc cùng một ít hành phi. Độ dai dai của bánh, vị mặn mà của tôm thịt, cùng một chút chua, cay, ngọt của nước chấm hòa quyện thành một món ăn mang đậm chất riêng của xứ Huế.
Bánh ram ít
Sở dĩ bánh ram ít Huế trở nên đặc biệt là vì nó được kết hợp từ hai loại bánh khác nhau, khi ăn tạo cảm giác vừa giòn vừa dẻo, rất béo nhưng không gây ngấy như các loại bánh khác vì món này được ăn kèm với nước mắm chua ngọt, rất lạ miệng và tinh tế. Bánh ram ít nhân tôm được ghép với nhau bởi hai phần là phần bánh ít phía trên và đế ram phía dưới. Bánh phần trên được làm bằng loại gạo nếp thơm ngon, ủ đúng giờ để bánh được dẻo mềm. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ trắng bóc bằng quả táo bên trong là 1 con tôm kho đo đỏ.
Khi bày ra đĩa, người Huế sẽ đặt phần bánh ít trắng tinh lên phía trên, để trông bắt mắt hơn, người ta sẽ rắc một ít bột tôm cháy vàng lên bánh. Một điểm nhấn khiến bánh ram ít trở nên đặc biệt hơn so với các loại bánh khác ở Huế là bánh ram ít sẽ được ăn kèm với nước mắm chua chua ngọt ngọt, được pha chế một cách rất kỳ công và đặc biệt, không quá mặn hay quá ngọt, thêm vị cay của ớt và một tí vị nồng của tỏi.
Bánh khoái
Người Huế gọi tên loại bánh này là “khoái” để miêu tả sự sung sướng khi thưởng thức đặc sản này. Món ngon này được làm từ bột gạo xay với trứng gà, bột nghệ. Nhân bánh được chế biến từ thập cẩm giá sống, giò, tôm và đôi khi là cá kình. Ăn kèm là rau sống gồm vả, chuối chát, khế thái lát và không thể thiếu nước lèo, một loại nước tương đặc biệt của xứ Huế, giúp làm nên hương vị món ăn.
Nem lụi Huế
Món nem lụi là một món ăn truyền thống của người dân xứ Huế. Từng chiếc nem bọc xả thơm lừng, ăn kèm với nước lèo được pha chế rất công phu và đặc biệt tạo nên hương vị vô cùng khó quên. Nem lụi được chế biến khá đơn giản với thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái mỏng như miến, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính. Sau đó, người ta lụi hỗn hợp này vào từng chiếc đũa tre nhỏ và nướng trên bếp than.
Nét hấp dẫn thứ hai của món ăn này phải kể đến thứ nước chấm được pha chế vô cùng độc đáo. Chẳng phải nước chấm chua ngọt thông thường mà là chén nước lèo được pha chế theo cách riêng của người Huế. Để làm nước chấm, người ta xay nhuyễn đậu phộng, cho thêm một chút nước mắm rồi đun trên bếp thành một hỗn hợp sền sệt giống như tương. Ở nhiều nơi còn cho thêm chút gan heo, thịt heo băm nhuyễn để món nước chấm được đậm đà và nhiều hương vị hơn.
Cơm hến
Một bát cơm hến là sự pha trộn của tất cả các nguyên liệu, cho một ít cơm nguội, các loại rau, một ít hến, thêm đậu phộng rang vàng còn nguyên hạt và vỏ, đôi ba lát da heo chiên phồng, hành phi và một nguyên liệu không thể thiếu là mắm ruốc Huế. Đặc biệt, người Huế rất ăn cay nên cơm hến cũng không ngoại lệ. Trộn đều tất cả các nguyên liệu và thưởng thức. Thành phần món ăn đơn giản, nhưng ẩn chứa bên trong là sự tinh tế đến mức cầu kỳ của người Huế.
Bún bò giò heo
Nổi tiếng hơn cả trong các món ăn bình dân ở Huế vẫn là món bún bò, hay gọi một cách đầy đủ là “bún bò giò heo”. Hương vị của món bún này là một trong những nét đặc trưng của Huế. Cay nồng ớt, thơm hương sả, và quan trọng nhất là vị ngọt của ruốc Huế không tìm được ở đâu khác.
Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả bò được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ.
Bún thịt nướng
Để được một tô bún thịt nướng ngon, đậm đà chất Huế thì khó nhất là công đoạn chế biến thịt nướng. Thông thường, người ta chọn mua thịt ba chỉ hoặc thịt nạc rồi thái mỏng, nêm gia vị gồm sả, tỏi, mắm, tiêu, muối, bột ngọt, dầu, đường, và một ít mè trắng. Sau thịt đã ngấm gia vị thì mới xếp thịt ra vỉ nướng. Trong quá trình nướng, phải trở tay liên tục để thịt chín tới và có mùi thơm lừng.
Ăn bún thịt nướng Huế phải chan với nước lèo mới ngon, mới đúng điệu. Nước lèo gồm bột mì, nước tương đậu nành, mè và đậu phộng đập dập, nước mắm, đường, muối khuấy đều. Khi ăn, rau sống, bún sẽ được cho vào tô trước sau đó mới xếp thịt lên trên và rưới nước lèo lên trên. Nếu thích ăn cay, du khách có thể tự mình nêm nếm bằng khay gia vị bên cạnh.
Chè Huế
Là món ăn vặt số một của miền đất cố đô, chè Huế trở thành món ăn không thể thiếu khi nói đến ẩm thực xứ kinh kỳ. Huế có tới mấy chục loại chè với nhiều màu sắc và hương vị khác nhau từ chè chuối, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván bình dị đến các loại chè hạt lựu, chè dứa xanh khoai môn cầu kỳ. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến món chè bột lọc bọc thịt quay vừa lạ miệng vừa ngọt ngon. Mùa hè, bạn có thể ăn những ly chè đá mát lạnh, còn mùa đông thì thưởng thức những chén chè nóng hổi là tuyệt nhất.
Nguồn: Sưu tầm